top of page

Thiết kế trải nghiệm người dùng đa văn hoá: Sự khác biệt giữa Mỹ và Nhật Bản

Cùng với xu hướng toàn cầu hoá nhanh chóng hiện nay, để tăng doanh thu và mở rộng thị trường, việc thiết kế sản phẩm phù hợp với nhiều đất nước và vùng lãnh thổ khác nhau là hết sức cần thiết. Chinh phục trải nghiệm khách hàng tại các quốc gia khác nhau phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có việc bản địa hoá trang web cho thị trường mục tiêu.


Trong bài viết này, chúng tôi đưa ra góc nhìn cá nhân, so sánh thiết kế trải nghiệm người dùng (thiết kế UX) trên một vài trang web khác nhau của Mỹ và Nhật Bản.


Bố cục và phân cấp thông tin

Người Nhật tìm kiếm thông tin bằng cách đọc văn bản trong khi người Mĩ lại có thời gian tập trung đọc ngắn. Do đó bố cục của các trang web thiết kế cho hai thị trường này có điểm khác biệt khá dễ nhận ra.


Hình 1: Giao diện Yahoo! Japan

Ví dụ đầu tiên chúng tôi so sánh là giao diện web của Yahoo! Nhật và Mỹ. Khi quan sát giao diện của Yahoo! Nhật Bản, chúng ta dễ dàng nhận thấy dạng bố cục phổ biến các của trang web Nhật Bản: chật chội, dày đặc văn bản, đồ họa nhỏ, màu sắc tương phản, nhân vật dễ thương và hoạt ảnh flash.

Hình 2: Giao diện Yahoo! US


Trái lại, bố cục của Yahoo! Mỹ sử dụng nhiều hình ảnh hơn, mật độ thông tin ít hơn, phân tách với nhau bằng nhiều khoảng trắng. Các danh mục khác được đặt trong các CTA với màu tím đặc trưng tương phản với nền trắng, giúp người dùng dễ nhận biết các danh mục khác.

Đối với người dùng phương Tây, bố cục toàn chữ kiểu Nhật có thể gây cảm giác khó theo dõi, khó đọc, không thu hút. Tuy nhiên, nếu bạn muốn thu hút khách hàng Nhật Bản, bạn không thể làm theo thiết kế của các trang web mang phong cách tối giản của phương Tây mà bạn thường thấy. Không chỉ Nhật mà rất nhiều các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Đài Loan cũng thích sự chật chội trong giao diện này.


Điều hướng

Bố cục và phân cấp thông tin của một trang web gắn liền với điều hướng. Đây là một trong những tương tác quan trọng nhất vì nó điều khiển và quyết định tốc độ của hành trình người dùng. Nếu điều hướng không được định tuyến chính xác, người dùng sẽ không thể tìm thấy thông tin họ đang tìm kiếm, làm gián đoạn luồng người dùng và tạo ra trải nghiệm người dùng tiêu cực.


Cùng so sánh trang thanh điều hướng của Amazon tiếng Anh và Amazon Nhật Bản phía dưới đây:


Hình 3: Giao diện Amazon US

Hình 4: Giao diện Amazon Japan

Ta có thể dễ dàng nhận thấy thanh điều hướng của Amazon Nhật Bản có chứa nhiều danh mục hơn (bao gồm điểm Amazon, Xếp hạng, giới thiệu về Amazon, Videos, Thời gian giảm giá, Sản phẩm mới, Dịch vụ khách hàng) giúp người dùng Nhật Bản tiếp cận thêm nhiều thông tin hơn trong thời gian ngắn hơn, từ đó mang đến trải nghiệm người dùng tích cực. Trái lại, thanh điều hướng của Amazon tiếng Anh đơn giản hơn, bắt đầu bằng Today’s Deals, tiếp đến là các thông tin liên quan như Dịch vụ khách hàng, Đăng kí, Thẻ Quà tặng và đăng kí bán hàng.


Màu sắc

Màu sắc là một trong những yếu tố chính có ảnh hưởng lớn đến hành trình người dùng. Việc lựa chọn màu sắc khi tạo các nút kêu gọi hành động (CTA) có thể thay đổi trải nghiệm khách hàng và tác động đến tỷ lệ chuyển đổi.


Trong thiết kế giao diện người dùng của Nhật Bản, màu đỏ tương quan với sự táo bạo và tích cực trong khi ở Mỹ, màu đỏ mang thông điệp nhấn mạnh hoặc báo lỗi.


Hình 5: Giao diện Rakuten US

Hình 6: Giao diện Rakuten Japan

Hãy cùng quan sát trang web của Rakuten Nhật Bản và ở Mỹ ở trên. Trang web của Rakuten Nhật Bản sử dụng màu đỏ để thu hút người dùng vào quảng cáo của mình trong khi trang web của Mỹ sử dụng màu tím làm màu CTA, màu đỏ chỉ dùng cho các chi tiết giảm giá.


Typography


Phương pháp thiết kế tổng thể được sử dụng trong thiết kế Nhật Bản, yêu cầu người dùng phải quan sát, cuộn, và phân tích toàn bộ trang web trước khi đưa ra quyết định. Đây là lý do tại sao người dùng Nhật Bản thích có nhiều kiểu chữ hơn so với người dùng Mỹ. Nhìn chung, nó giúp người dùng xem trang hơn dễ dàng hơn mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố đồ họa hào nhoáng hoặc nhấn mạnh quá mức, chẳng hạn như biểu tượng hoặc hình ảnh.


Phương pháp thiết kế phân tích, được sử dụng trong thiết kế của Mỹ, làm nổi bật các kiểu chữ khác nhau và đòi hỏi nhiều cấu trúc hơn để đảm bảo rằng các khối thông tin nổi bật với nhau. Khoảng cách được sử dụng nhiều hơn để nhấn mạnh cách nhóm nội dung và cách xử lý từng phần. Do đó, việc sử dụng khoảng trắng và các kích thước phông chữ khác nhau trở nên cần thiết cho người dùng phân tích để hiểu thông tin nhanh chóng.


Hãy thử so sánh trang web của Starbucks Nhật Bản và trang web tiếng Anh của hãng này. Do thói quen đọc khác nhau của hai đất nước mà phần hiển thị văn bản của hai trang web cũng khác nhau.


Hình 7: Giao diện Starbuck Japan

Giao diện của Starbucks Nhật Bản hiển thị tất cả thông tin quan trọng trên cùng một trang, do vậy kích cữ chữ khá nhỏ và dày đặc. Khi chọn một danh mục ở thanh điều hướng bên tay trái, một danh sách danh mục khác lại hiển thị ra trên cùng một trang, giúp người dùng Nhật Bản có thêm nhiều thông tin để lựa chọn hơn.


Hình 8: Giao diện Starbuck US

Trong khi đó, trang web Starbucks tiếng Anh hiển thị thông tin tối giản, các khối thông tin ít và phân cách với nhau bằng khoảng trắng. Thanh điều hướng nằm phía trên chứa ít danh mục với kích cỡ chữ lớn, dễ đọc đối với người dùng Mỹ, phân cách rõ ràng bằng khoảng trắng, và điều hướng đến trang riêng mà không có thêm menu khác.


Kết luận

Trong bài viết này chúng tôi đã phân tích bốn khía cạnh cần lưu ý khi bản địa hóa thiết kế trang web cho hai thị trường Mỹ và Nhật bao gồm màu sắc, kiểu chữ, bố cục / phân cấp thông tin và điều hướng. Xét cho cùng, mục tiêu của việc bản địa hóa thiết kế trải nghiệm người dùng của các trang web Mỹ và Nhật đều là mang đến cho người dùng trải nghiệm tổng thể giống nhau bất chấp những khác biệt về văn hóa.


Việc thiết kế trải nghiệm người dùng đa văn hoá không phải chỉ đơn thuần là dịch một trang web từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khá. Để tạo ra trải nghiệm người dùng thành công và tích cực, chúng ta cần chú ý và cân nhắc kĩ các bối cảnh văn hoá, "Khi ở Rome, hãy cư xử như người La Mã.”


Tác giả: Trang Hoang

496 views0 comments

Comments


​UI/UX Course

Học tư duy thiết kế, thực hành thiết kế và tăng giá trị của thiết kế trong team

UX Career Support

Trở thành UX Designer chuyên nghiệp ​với sự  dẫn dắt 1-1 từ mentor

bottom of page